Hành động đến thế gian để cứu chuộc con người của Chúa Giêsu là hành động của sự vâng phục tự do và tự nguyện: “Mạng sống của tôi không ai lấy đi được nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình, tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy, đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). Sự vâng phục này của Chúa Giêsu phát xuất từ một tình yêu vô điều kiện đối với Chúa Cha và nhân loại, chính Người đã quả quyết: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy… Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người thí mạng vì bạn hữu của mình, anh em là bạn hữu của Thầy…” (Ga 15,10; 14). Tình yêu Cha và tình thương các linh hồn là động cơ duy nhất thúc đẩy Chúa Giêsu trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, mặc lấy thân phận phàm nhân và chết trên thập giá (Pl 2, 6- 8), hành động xóa mình ra không qua mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc của Chúa Giêsu là bằng chứng rõ ràng nhất về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người cũng như tình yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại.
Cùng bản thể với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu là Ngôi Lời vĩnh hằng của Thiên Chúa, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Ngài đã chấp nhận đến trong thế gian, tự nguyện “nhốt” mình trong không gian và thời gian. Hơn thế nữa lại chọn cho mình một bậc sống của những người cùng khốn, chịu ngược xuôi với nhân tình thế thái, chịu ôm vào mình những mảnh “yêu” vụn vỡ mỏng manh. Một tình yêu tròn đầy đang chờ đợi mảnh vụn tình yêu của con người. Một trái tim chờ đợi đến độ bị xé rách trong vườn cây dầu và trên thập giá. Tại sao thế? Tại sao Chúa phải làm như vậy? Tại vì Thiên Chúa trong Ngôi Lời, Ngài-đã-chọn chúng ta làm Betania của Ngài.
Chọn con người, Lời luôn làm cho nó trở nên đúng nghĩa là Betania. Bởi Ngài đã dành trọn con tim để hướng về con người. Ngài dành cho chúng ta tình yêu vô điều kiện, Ngài không bao giờ đổi ý, ngay cả khi chúng ta không xứng với Ngài, Ngài vẫn dành cho chúng ta những đặc lợi của người được yêu.
Tình yêu ấy là một tình yêu cận kề và đích thân: Người nói với con người bằng chính ngôn ngữ của họ, trong thân phận một con người. Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta tình yêu thương của một con tim vừa nhân loại, vừa thần linh, theo cách toàn hảo nhân loại nhưng lại có tầm mức tình yêu thần linh. Người đã thương yêu chúng ta bằng một tình yêu vừa mãnh liệt vừa dịu dàng, vừa hiền từ vừa kiên vững. Ngài yêu thương các môn đệ, các trẻ thơ, những người nghèo, những người bệnh và cả các tội nhân. Tình yêu của Ngài không lựa chọn nhân vị, tình yêu của Ngài được trao ban cho từng người, mọi người không phải vì phẩm chất của người nhận nhưng vì tấm lòng của người cho. Chính trong chiều hướng ấy đã phát sinh hệ quả là con người được lớn lên, được phục hồi phẩm giá và hy vọng. Chính tình yêu đã hoán cải tâm hồn – không phải bạo lực, sức mạnh hay uy quyền nhưng chính là tình yêu.
Tình yêu của Ngôi Lời dành cho con người còn trở nên tình thân ái: “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúa đã coi ta là bạn hữu của Ngài. Tình bạn theo đúng nghĩa chặt của nó, nhưng Chúa đâu dừng lại ở đó. Người đi xa đến độ đồng hóa với ta, nên như ta, cho dù tình yêu người mẹ, người cha hoặc người bạn đời cũng không đủ: “các con hãy ở trong Thầy”, Chúa phán, “ như Thầy ở trong các con”. Một tình yêu ở trong nhau. Ngôi Lời đã yêu con người đến độ muốn ở lại trong con người, từng người một. Yêu đến độ “chạy theo người mình yêu” và muốn hòa vào trong người yêu.
Cuối cùng, chúng ta còn có một chứng từ tột đỉnh của tình yêu này: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Nói khác đi, Người đã yêu đến tột cùng của tình yêu. Có hai yếu tố chứng tỏ một người thương yêu đích thực và làm cho tình yêu toàn thắng: thứ nhất là làm điều thiện cho người mình yêu; thứ hai cao vượt hơn nhiều là chịu đau khổ vì người mình yêu. Điều này đã minh chứng nơi mầu nhiệm tình yêu làm người của Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời nhập thể.
Không chỉ dừng lại ở làm điều thiện và chịu đau khổ, tình yêu của Thiên Chúa trong Ngôi Lời còn vượt xa điều mà chúng ta tưởng tượng hay có thể nghĩ tới. Bởi vì, tình yêu ấy đã dấn thân đến tận cùng của tình yêu, hy sinh cả mạng sống mình cho tình yêu. Đây là điều mà chúng ta chỉ có thể gặp thấy nơi Kitô giáo, Đấng là thần linh đã chết cho con người, Đấng đáng ra phải là chủ mạng sống lại lấy chính mạng sống của mình để yêu thụ tạo. Chính vì tình yêu mà Đấng từ “vĩnh cửu đã trở thành thời gian, từ vô hạn trở thành hữu hạn, vô hình trở thành hữu hình. Đấng bất tử trở thành khả tử, cái lớn nhất trở nên nhỏ nhất để cho cái nhỏ nhất trở nên lớn nhất” .
Cuối cùng, tình yêu đạt tới cao đỉnh nơi ngọn đồi Calvario, trên Thập giá, Chúa Kitô đã chứng minh sự trao ban trọn vẹn của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Tác giả bài viết: Hoa cát
[1] Betania ở phần này có nghĩa là “nhân loại”. [1] X. Phao lô Bùi Văn Đọc, Tôi biết tôi đã tin vào ai, NXB Tôn Giáo, tr. 105-106.