HIẾU KÍNH ĐẤNG TỔ PHỤ

Đấng Sáng Lập Dòng

Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948)

Người Việt Nam ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là đạo lý hợp với luật Chúa dạy được Thánh Kinh (Đnl 6,5 hay Cl 3, 20) cũng như SGLHTCG nói mạnh mẽ qua điều răn thứ tư “Thảo kính cha mẹ” mà chị em Mân Côi có bổn phận và nghĩa vụ phải thi hành đối với Đấng sinh thành. Thật vậy, trong những ngày này chị em ở khắp mọi miền trên thế giới hướng về Mẹ Dòng để tri ân, tưởng nhớ Đức Cha Tổ Phụ. Hơn nữa, chị em Mân Côi tìm về cội nguồn để nhắc nhở mình không tự dưng mà có nhưng nhờ công ơn sinh thành của Đức Cha Dominico Maria Hồ Ngọc Cẩn – Đấng Sáng lập Dòng chị em con Đức MẸ Mân Côi.

Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn

Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

(Tục ngữ, ca dao Việt Nam)

Mỗi khi bài hát: “Ơn nghĩa sinh thành” cất lên lại gợi nhớ trong tâm trí mỗi chị em Mân Côi biết bao nỗi niềm thương nhớ và kính trọng Đấng sinh thành: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, ai ơi, hãy nhớ năm xưa, những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng, công đức sinh thành, người ơi đừng quên, công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Sống trên đời, con người ta ai mà chẳng có tổ có tông có nguồn cội. Chị em Mân Côi cũng thế cũng có một người Cha vô cùng kính yêu là vị Tôn Sư lỗi lạc của thời đại.

 

Với tấm lòng biết ơn sâu đậm, chị em Mân Côi luôn hướng về cội nguồn hướng về người Cha vô vàn kính yêu với biết bao sự mến mộ và niềm hãnh diện. Hay mỗi lần có dịp được nghe kể về Đức Cha hoặc đọc những bút tích của Cha, dường như tâm hồn chị em Mân Côi càng thêm thấm thía và yêu mến Đấng Tổ Phụ hơn. Không thấm thía sao được khi tai nghe, mắt thấy và lòng cảm thấu những công khó của Cha trong sự vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Không mến mộ sao được khi thấy Cha của mình tài trí và thánh thiện dường nào đã tạo nên bức chân dung người Mục tử mang hình bóng vị Mục tử Giêsu.

Thật vậy, với khẩu hiệu: “Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn – In Omni patien et doctia”. Đức Cha Tổ Phụ đã nêu cao tinh thần nhiệt huyết, tận tụy không chỉ với Giáo Hội mà còn luôn hết tình với đất nước. Với Giáo Hội, linh mục Phan Hưng Thịnh có viết: “Có thể nói người đặt nền móng cho tòa nhà Giáo phận theo mô hình đậm chất Việt là vị Giám Mục tiên khởi – Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948). Trong suốt 13 năm coi sóc Giáo phận bắt đầu từ năm 1935 cho đến lúc qua đời vào ngày 27/11/1948, với kiến thức uyên bác thuộc giới nhân tài của miền đất cố đô Huế, Ngài đã làm cho hạt giống đức tin do các Đấng tiền nhiệm ngoại quốc gieo vãi càng bén rễ sâu vào mảnh đất Bùi Chu để trổ sinh hoa trái trong môi trường thuần phong mỹ tục mang nét Việt Nam”[1]. Từ khi coi sóc Giáo phận, Ngài đã canh tân Giáo phận dưới nhiều hình thức, tái lập Đại Chủng Viện Quần Phương, canh tân tu sĩ, canh tân nếp sống giáo dân, cộng đoàn…

Bên cạnh đó, với lòng yêu mến Đức Maria và đáp ứng nguyện vọng của Công Đồng Đông Dương (1933). Ngài đã tuyên sắc lập Dòng “Chị em con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu” (08/09/1946) với biết bao khó khăn, dị nghị nhưng Ngài vẫn nhiệt tâm, khôn ngoan trong thánh ý Chúa.

Ngoài ra, Đức Cha Tổ phụ còn là một nhà danh nhân văn hóa, nhà giáo dục đại tài; Ngài đã đóng góp rất nhiều tác phẩm có giá trị như:  Toán học, Mẹo tiếng Latinh, Mẹo tiếng Pháp… Vì thế, có nhiều người biết đến danh Ngài  nhất là hàng linh mục Giáo phận nói rằng: “ Viết về Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, không tài nào bỏ qua công lao to lớn của Ngài. Ngài là Giám mục viết khá nhiều sách báo trong hoàn cảnh bấy giờ, có tới 100 đầu sách do Ngài viết và để lại cho chúng ta, sách được in tại nhà in Phú Nhai, Hồng Kông, Quy Nhơn, Thiện Bản Hà Nội”[2]. Về văn chương thi phú, Ngài cũng có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất là các lời dạy dỗ chị em Mân Côi được Ngài phổ thành thơ cho dễ nhớ với những phương pháp cụ thể. Ví dụ như: Muốn đạt sự sống bề trong cần có 8 phương pháp:

Lương tâm tinh sạch mọi đàng

Lòng càng thanh tịnh trí càng tinh anh

Việc làm thảy đều ngay lành

Tĩnh tâm khắc kỷ ngôn hành hẳn hoi

Tình thân với Chúa đừng nguôi

Yêu mình cũng phải yêu người như ta[3].

 Hay với Dòng chị em con Đức Mẹ Mân Côi, tuy không sống trong đời sống tu Dòng nhưng Ngài đã luôn chỉ dẫn cho chị em cách ăn nếp ở và việc giữ đạo Chúa, luật Dòng một cách chu đáo, tỉ mỉ, tận tâm như người đã sống trong Dòng vậy. Vì thế, Người được mệnh danh là Thầy dòng mặc áo chùng thâm. Ngài không chỉ soạn cuốn Luật phép Dòng và bộ Hiến Luật – Nội Quy cho Dòng; ngoài ra, Đức Cha còn soạn thêm cho các con cái Mân Côi những cuốn sách về sự giữ luật lệ hay trách nhiệm và quyền hạn của Bề trên của Bà giáo Nhà tập như thế nào. Đó là cuốn: Gối đầu Bề Trên, Nhiệm vụ Bà tập, Vào Nhà tập làm gì, Gương mẫu chị tập,…

Kể ra vài ba điều vắn vỏi, không phải để “bố hát con khen hay” cũng không phải để tự kiêu hay khoe mẽ, nhưng là muốn bày tỏ sự kính trọng, ghi ơn sâu sắc và nỗi nhớ thương da diết của người con đối với Cha của mình. Cũng như ngạn ngữ Pháp có câu: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Cho nên, tưởng nhớ và ghi ơn công đức của Đấng sinh thành cũng là dịp để chị em sống lại linh đạo, sứ vụ, tinh thần Dòng cùng làm thăng tiến những gia sản tinh thần mà Ngài đã cưu mang và hình thành trong đời sống tận hiến cũng như trong sứ vụ truyền giáo.

Thực vậy, vào mỗi ngày 27 hàng tháng và nhất là từ ngày 26 – 27/11 hàng năm chị em Mân Côi từ khắp mọi miền thế giới tề tựu bên phần mộ hay di ảnh của Đức Cha Tổ Phụ để tri ân, dâng lễ và cầu nguyện cho Ngài. Cố nhiên, những buổi họp mặt đó là những cơ hội tốt đẹp để nối kết tình chị em hơn. Qua những tâm tình tri ân, chị em Mân Côi xin được mượn lời Thánh vịnh dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho Đức Cha:

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa

Muôn lạy Chúa, xin nghe tiếng con

Dám xin Ngài lắng tai để ý

Nghe lời con tha thiết nguyện cầu. (Tv 129, 1 – 2)

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng con một Đấng Tổ Phụ và cho chúng con được hiện diện trong lòng Giáo Hội. Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu trả công bội hậu cho những hy sinh và công lao to lớn của Đức Cha mà cho Người được hưởng nhan thánh Chúa cùng Mẹ Maria và các thánh trên trời. Chính hành vi nghĩa cử Hiếu đễ này đã làm nổi bật hình ảnh người nữ tu Mân Côi trong lòng dân tộc Việt. Bởi lẽ đã hòa mình vào dòng chảy Hiếu đạo của đất nước cũng như con người Việt Nam. Thật vậy, trong truyền thống Á Đông và dân tộc Việt Nam nói riêng, đạo Hiếu luôn được coi là một trong những nền tảng đạo đức nền tảng của các giá trị nhân văn của con người Việt; vì đó là gốc của nhân cách. Lòng Hiếu đễ được các chị em Mân Côi coi trọng để thể hiện lòng thành kính biết ơn cũng như lòng hiếu thảo của người sinh sau đối với Đấng Tổ phụ và các bậc tiền nhân đã sinh thành, nuôi dưỡng nên mình[4] và là thước đo nhân cách nhân bản của chị em.

Tắt một lời, lòng tri ân và tình yêu mến Đức Cha Tổ Phụ là một niềm hãnh diện và là một điểm sáng trong cuộc đời mỗi chị em Mân Côi. Nhờ đó, tình chị em càng thêm thắm thiết, bền chặt, tình tương thân tương ái cũng ngày một tăng triển.  Khi tưởng nhớ Đấng Tổ phụ nghĩ về Hội Dòng, chị em Mân Côi biết chắc rằng: hẳn là nhờ lời cầu bầu đắc lực của Đức Cha Tổ Phụ và Mẹ Maria nên Hội Dòng ngày một thăng tiến. Nhưng liệu tinh thần Hiếu thảo ấy có còn hiện diện và là nét đặc trưng cơ bản trong cộng đoàn Mân Côi mãi hay không? Khi mà xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều hệ lụy của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thờ ơ, vô cảm đang len lỏi trong đời sống Hiếu nghĩa của chị em Mân Côi. Lời Cha dạy năm xưa vẫn còn đó những thao thức cúa Cha luôn còn mãi, nhưng mỗi chị em Mân Côi chúng ta có luôn ý thức là phải đóng góp phần của mình cho sự phát triển của vườn hồng Mẹ Mân Côi của Giáo Hội hay chưa? Đó là những thách đố thời đại và là dấu hỏi lớn cho mỗi chị em chúng ta.

 

Tác giả bài viết: Như Hoa, Fmsr.

 

[1] X. Bài viết: Tri ân các Đức Cố Giám Mục Bùi Chu – GpBc [gpbuichu. org] Tin Tức] CÁC ỦY BAN] Giáo Sĩ.

[2] X. www. Giaoxugiaohovietnam.com/BuiChu/01-Giao-Phan-Bui-Chu.htm.

[3] X. Vào Nhà Tập làm gì? tr. 67.

[4] X. M. Martino Porres Đỗ Hoa, Tiểu luận Thần học “Thảo kính cha mẹ và vấn đề thờ cúng tổ tiên trong gia đình Công giáo Việt Nam” 2018, tr. 33.

Check Also

Hội dòng mừng bổn mạng quý chị 23.09

Hội dòng mừng bổn mạng quý chị 23.09