Gặp gỡ Chúa qua Lời của Ngài

Thánh Giêrônimô đã nói “Không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô”. Kinh Thánh là nguồn mạch đầu tiên để biết và gặp gỡ một Đức Ki-tô sống động, gặp chính con người thật của Ngài, cùng Ngài bước đi, cùng Ngài cầu nguyện, cùng Ngài đi rao giảng Tin Mừng trong những trang sách. Thật vậy, “Việc đọc Lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện, Lời ngọt ngào hơn mật ong (Tv 119,103) nhưng lại là một ‘thanh gươm hai lưỡi’ (Dt 4,12), giúp chúng ta dừng lại và lắng nghe tiếng của Tôn sư, để lời Chúa trở nên như ngọn đèn soi cho chúng ta bước và là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi”[1]. Cuộc gặp gỡ trong hiện tại, không phải là hôm qua hay ngày mai, nhưng chính là ngày hôm nay: “Ngày hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa, các người chớ cứng lòng” (Tv 95,8). Như vậy, không có Lời của Chúa sẽ không có việc truyền giáo của Giáo hội như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Không chỉ bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Mọi việc loan báo Tin Mừng cũng phải dựa trên Lời ấy, phải lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm chứng cho Lời ấy. Kinh Thánh chính là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng. Do đó, chúng ta cần không ngừng được huấn luyện trong việc nghe Lời Chúa. Hội thánh không loan báo Tin Mừng nếu chính mình không được nghe Tin Mừng.[2]

Chính vì lẽ đó, người loan báo sứ điệp của Chúa càng cần đến Lời của Chúa, cần đến sự thân mật với Lời của Chúa, để học hiểu tâm tư, ý hướng của Ngài, để Lời của Ngài thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm mình và tạo cho mình những hướng đi với cái nhìn mới.[3] Đồng thời, nhờ sự gắn bó với Lời Chúa trong đời sống cầu nguyện bằng một trái tim mở rộng, các nữ tu sẽ càng ngày càng có kinh nghiệm về đường lối hoạt động của Chúa, càng vững tin vào tình yêu cứu độ của Chúa dành cho mình. Điều này nhấn mạnh rất rõ trong Quy luật của Hội dòng “Chị em năng đọc và suy gẫm Thánh Kinh, nhất là Tân ước, để thấm nhiễm tinh thần bác ái của Chúa Kitô. Mỗi chị em phải có một cuốn Thánh Kinh để hằng ngày sử dụng” (Ql số 6)

Tình yêu với Lời Chúa làm cho trái tim người gắn bó với Chúa được nới rộng và tươi sáng. Như tiên tri Giêrêmia nói “gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con thành niềm vui của lòng con vì con được mang danh ngài” (Gr 15,16). Bởi lẽ qua sự gặp gỡ đến mức nên một với Đấng Vô Hình đang sống ấy, người môn đệ vừa được giải thoát khỏi sự sợ hãi và ngờ vực, khỏi mọi thứ nô lệ cho quyền lực tội lỗi và sự chết, đồng thời đem lại cho người ấy một đời sống tràn đầy ý nghĩa và niềm vui[4].

Nhiều người thời nay quan niệm rằng, điều quan trọng và cần thiết trong cuộc sống hệ tại ở việc mình làm: tôi đã được những gì cho bản thân, cho gia đình tôi, cho những người khác? Người ta không mấy mặn mà với việc cầu nguyện, với việc gắn bó với Lời Chúa. Bởi vì với họ những thứ này thật khô khan, có vẻ khá mơ hồ và nó chỉ dành cho một vài người gắn bó với nhà thờ, nhà nguyện mà thôi. Cho dù họ vẫn tin có Chúa, vẫn tin vào Thánh Kinh, Thánh Truyền nhưng họ lấy nỗ lực của bản thân làm điểm tựa cho những công việc của mình. Đây cũng là cơn cám dỗ khiến không ít người nữ tu bị sa đà vào “cơn mê việc làm”, “cơn mê của công nghệ thông tin”. Thực trạng ngày nay cho thấy, không ít tu sĩ chạy đua với đời trong công việc, họ chọn công việc thay vì chọn Chúa, mở rộng các mối tương quan bên ngoài. Thời gian trong ngày sống của các họ chủ yếu dành cho công việc và những mối tương quan, tuy sống với tinh thần “trọn vẹn đi ra” với người khác, nhưng không có “đi vào” với lòng mình và “đi lên” với chính sự hiện diện của Chúa. Các tu sĩ đã quên mất rằng: Để là một nhà truyền giáo phải là một “nhà chiêm niệm trong hoạt động”. Họ tìm thấy những giải đáp cho các vấn đề theo ánh sáng của Lời Chúa, cũng như trong lời cầu nguyện chung riêng” “Đặc tính của hết mọi cuộc sống truyền giáo chân chính đó là niềm vui nội tâm do đức tin mà có. Cũng như “nếu họ không dành thời giờ cầu nguyện với Lời Chúa, thì quả thực họ sẽ là tiên tri giả, một kẻ lừa đảo, một kẻ huyênh hoang trống rỗng.”

Thật thế, không ai cho người khác những gì mình không có, nếu người nữ tu Mân côi rời xa hay không sống Lời Chúa, thì họ sẽ đem thứ “Tin Mừng” nào đến cho những người mình được trao phó. Nếu không có sức mạnh của Lời Chúa trong cầu nguyện thì bản thân sẽ nâng đỡ được ai, thắp sáng hy vọng và tạo niềm vui cho đối tượng nào được!

Vì vậy bổn phận trước hết của người nữ tu Mân côi là làm mới lại và bảo toàn một sự thân mật với Lời Chúa để mỗi ngày đi sâu hơn vào mối hiệp thông mầu nhiệm với Chúa. Từ đó, có thể truyền tải trung thực và trọn vẹn về sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến cho dân của Ngài, nhờ con tim mềm mại được biến đổi qua Lời của Ngài. Khi đó Lời Chúa sẽ thấm nhập đến tận đáy thẳm ý nghĩ và tình cảm của người nữ tu Mân Côi và làm nảy sinh một tinh thần mới, làm nảy sinh “tư tưởng của Chúa”, giúp người tu sĩ trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa.

Giêronimô Nguyễn

[1] Phanxicô, Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỷ, số 156.

[2] Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, số 174.

[3] Sđd, số 49.

[4] Gioan Phaolô II, Sứ Mạng Đấng Cứu Độ, số 11.

Check Also

Hội Dòng Mừng Bổn Mạng Chị M. Ripsimina Bùi Thị Liễu

Hội Dòng Mừng Bổn Mạng Chị M. Ripsimina Bùi Thị Liễu